Tôi thích nhìn về phía trước
Lê Quang Hòa nói rằng cũng nhờ được trường Hoa sữa đào tạo một lúc nhiều nghề từ nấu Âu, nấu Á, làm bánh, bán hàng; nhờ những năm tháng cắp sách đi học tiếng Anh ở các Trung tâm ngoại ngữ nên chỉ sau buổi phỏng vấn được nhận ngay vào làm việc tại khách sạn Metropole. Đó là tháng 3/1996. Vào thời điểm đó, được làm việc tại một trong những khách sạn nổi tiếng ở Hà nội như Metropole là niềm mơ ước của nhiều người. Thế nhưng đối với Quang Hòa, một người thích “nhìn về phía trước” thì 8 năm làm việc ở đây chỉ là để học kinh nghiệm trước khi bước vào thương trường để trở thành một doanh nhân. Kinh nghiệm mà Quang Hòa học được là phong cách làm việc công nghiệp mà theo cách giải thích của anh là “làm ra làm-đi như tên bắn
Nói về sự nghiệp: 8 năm sau kể từ năm 2004, ông chủ doanh nghiệp “Anh Hòa Bakery” đã có trong tay 4 cửa hàng bánh ngọt ở Hà nội với hơn 100 công nhân trong đó có nhiều học sinh trường Hoa sữa. Hỏi về bí quyết thành công, Quang Hòa chỉ cười và nói : “ Em thích đọc sách”. Cuốn sách gối đầu giường của nhà doanh nghiệp trẻ này là cuốn tự chuyện: “Tay không xây dựng cơ đồ” của tác giả Vikrom Kromadit, một doanh nhân nổi tiếng nhất vùng Đông Nam Á, người sáng lập ra tập đoàn AMATA ở Thái Lan. Đối với anh, doanh nhân, tỷ phú người Thái này trở thành tấm gương về nghị lực, sự kiên trì và ý chí vươn lên từ đói nghèo. Với hơn 50 loại bánh khác nhau, hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Anh Hòa đã cung cấp cho 2 siêu thị lớn ở Hà nội như Unimex, Hapbro. Về những công việc khó khăn trên thương trường, Quang Hòa ví mình như người trồng rừng -khi cây lớn thì doanh nghiệp khác đến “đốn cây”. Bất bình nhưng cũng đành chịu vì “thương trường là chiến trường”. Không có cách gì khác để tồn tại là phải tự vươn lên. Để nâng cao chất lượng bánh, anh thường tham gia các cuộc hội thảo do các nhà cung cấp nguyên liệu tổ chức. Tại đây học được những công nghệ làm bánh tiên tiến; biết được những nguyên liệu mới làm tăng chất lượng bánh. Những lần hiếm hoi trong năm để bạn cũ thành đạt từ trường Hoa Sữa gặp nhau thực sự trở thành những buổi trao đổi, tư vấn cho nhau để hoàn thiện dần dần.
Tâm sự về đời tư, dù không muốn nhắc lại nhưng Quang Hòa không thể quên được quãng đời thơ ấu đầy khó khăn và buồn khổ: 10 tuổi mồ côi mẹ lại là anh cả của 4 em nhỏ nên không có cách gì khác phải tự kiếm sống để đỡ đi gánh nặng cho người cha. 15 tuổi cùng người em trai kém mình 2 tuổi là Lê Khánh Ninh vào Tổ bán báo xa mẹ. Cuộc đời của cậu bé “bán báo” bắt đầu sang trang khi em được nhận vào học nghề tại trường Hoa sữa.
Những năm tháng kiên trì vừa đi bán báo vừa học bổ túc đã cho Quang Hòa những kiến thức nhất định. Tại đây anh cũng quen biết cô bạn gái Lê thị Kiều Linh mà sau này trở thành người bạn đời của anh...
Ông chủ doanh nghiệp trẻ nói với chúng tôi rằng gia đình anh có được như ngày hôm nay cũng nhờ sự giúp đỡ của gia đình bên ngoại. Các cụ đã giúp vốn, cho phép mở cửa hàng ở ngay tại nhà: số 8 Ngõ Trạm Hòa. Anh cũng không quên mái trường Hoa sữa, nơi đã cho anh kiến thức và giúp anh có đươc chiếc cần câu để anh làm nên sự nghiệp. Người ta thường nói “đằng sau sự thành công của một người đàn ông có bóng dáng của người phụ nữ” quả không sai. Cặp vợ chồng doanh nhân trẻ này thỏa thuận với nhau rằng ông chủ gia đình chịu trách nhiệm chăm lo công việc ở các xưởng bánh có nghĩa là đảm bảo chất lượng sản phẩm; bà chủ trẻ thì lo quản lý điều hành. Công việc ngày càng nặng vì hiện Công ty Anh Hòa Bakery hiện đã có 4 cửa hàng ở các ngả đường Hà nội: Phố Phùng Hưng; Đường Láng Hạ, Đường Âu cơ và Trần Thái Tông. Kiều Linh tâm sự rằng để quản lý đội ngũ nhân viên bán hàng và đào tạo để họ có được tác phong chuyên nghiệp vẫn là điều nan giải và niềm mơ ước của cô. Cô hy vọng trong tương lai bằng các chính sách của mình, Công ty sẽ có được đội ngũ nhân viên bán hàng luôn có nụ cười thường trực, nhiệt tình trong đón tiếp khách hàng để “kéo” khách hàng về cho Công ty.
Tại cuộc gặp mặt lần thứ nhất của cựu học sinh trường Hoa sữa, ông chủ doanh nghiệp Quang Hòa được bầu vào Ban chấp hành hội cựu học sinh. Quang Hòa nói với chúng tôi rằng những thành viên trong ban chấp hành muốn tạo được mối liên kết giữa các thế hệ học sinh trường Hoa sữa, tạo được trang Web để chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu việc làm vv…Tôi hiểu vì sao Lê Quang Hòa ít muốn nhắc lại quá khứ mà chỉ thích nói về tương lai.
Write a comment: