Giới thiệu với tôi về Hoàng Ca Du,  Đặng thị Linh, giáo viên trường Hoa sữa và là trưởng ban liên lạc  Hội cựu học sinh của trường nói: “Em Du “hay lắm” cô ạ. Gặp Du rồi tôi mới hiểu ý nghĩa từ “hay lắm”mà cô Linh đã dùng để nói về cậu học sinh cũ của mình. 

Ở Hoàng Ca Du có 2 điều trái ngược giữa hình thể và tính cách. Đã 27 tuổi nhưng khuôn mặt bầu bĩnh vẫn mang nhiều nét trẻ thơ của một cậu học sinh phổ thông trung học nhưng khi “thuyết trình” về công việc thì lại giống như một người từng trải, “hừng hực khí thế” tạo lập cơ nghiệp. Dường như Hoàng ca Du là một người của công việc. Khi tôi hỏi em về “sự nghiệp”, Hoàng Ca Du nói : “cháu đã có “định hướng”về nghề này  khi nghe một đứa bạn học ở trường Hoa sữa kể về nghiệp “làm bánh mỳ, bánh ngọt”. Đi siêu thị thấy bánh bán ở siêu thị đắt nên cháu lại củng cố thêm “định hướng”cho mình: Phải học nghề bánh mỳ,bánh ngọt”.  Du kể “ Nhà cháu nghèo nên từ nhỏ cháu đã quen với công việc. Trước khi vào trường Hoa
sữa cháu đã làm quản lý cho một Công ty xây dựng ở Hòa Bình. Vất vả quen rồi nên không thấy ngại. Cháu nghĩ: “Ai muốn kiếm tiền, phải tìm đến người muốn làm ra tiền”. Vì vậy ngay khi đang còn học nghề ở Hoa sữa cháu đã làm thuê cho anh Phạm Quang Huy , người chuyên làm bánh mỳ “cổ truyền”để học kinh nghiệm. Để kiếm tiền, cháu còn “nhận chân” bưng bê bát đĩa cho các cửa hàng ăn .  Năm 2009 vừa ra trường, trong suốt 2 năm liền, cháu nhận làm việc ở 3 nơi cùng một lúc. Mỗi ngày cháu chỉ ngủ chừng hơn 2 giờ đồng hồ. Này nhé : 4h30 phút cháu phải dậy để kịp chuyến xe buýt đầu tiên đến “quyẹt thẻ” ở nhà hàng Papa Rô trên đường Trúc bạch; Hết giờ lại “chạy” về Viện bảo tàng nghệ thuật ở số 3 Cao bá Quát rồi đêm làm cho
anh Huy. Lịch “làm việc và đi lại” của cháu cứ đúng như vậy đến nỗi mấy “bác xe buýt” không thèm kiểm tra vé tháng mỗi khi cháu lên xe.  Phải làm như thế cháu mới dành dụm được ít tiền làm vốn …Thế rồi cháu chung cổ phần với anh Huy mở cửa hàng bánh mỳ ở đường Pháo đài Láng”. Anh em chúng cháu kết hợp với nhau và đã làm nên “cơ đồ”… 

Tôi đọc được ước mơ cháy bỏng “thoát nghèo” của Hoàng ca Du . Điều đáng nói là con đường để đạt được ước mơ này ở Du là rất chân chất và lương thiện.Quan điểm “làm ăn”của Hoàng ca Du rất rõ ràng, càng bươn chải càng va chạm. Càng va chạm càng “lớn khôn”.Là một học sinh giỏi nhưng khi ra trường Du tự nhận chỉ là người bình thường phải học hỏi những người đi trước như Anh Hòa, Quang Xuân..v..vv. Rồi Du còn “học” thêm bằng cách đến ăn bánh ở những cửa hàng lớn . Du lý luận: “Cuộc sống bây giờ đi chậm là không được. Người ta hơn mình một bước thì mình phải đi nhanh hơn mới đuổi kịp. Vì vậy phải “chạy”nhanh hơn người khác. Biết rằng “thương trường là chiến trường” nhưng theo Du doanh nhân phải có “cái tâm”
khi “làm ăn”. Hoàng ca Du đưa ra một thí dụ: “Cháu đang có bát cơm bị người khác giật mất. Cháu sẽ không giật lại mà sẽ phấn đấu để có được bát cơm ngon hơn”!!! Nhưng điều cần làm là phải có quyết định đúng đắn khi lựa chọn khách hàng. Du cho biết sau khi mở cuộc “điều tra” thì hiện có 10% khách hàng thích ăn ngon - ít chú ý đến giá; 30% người thích ăn ngon nhưng lại muốn mua giá rẻ; 40% muốn mua rẻ và 20% người chỉ ham hàng rẻ . Rồi Du kết luận: “cháu đã tính toán và sẽ chọn đối tượng khách hàng  là những người tham rẻ và những người mong được mua rẻ.

Cậu bé có khuôn mặt tròn như còn “búng ra sữa” này lại  “già” trong cách suy nghĩ và cách “đối nhân xử thế” . Du nói rằng em thương và thông cảm với những học sinh mới ra trường vì cứ gặp họ là lại nhớ tới những tháng ngày vất vả của mình. Vì vậy cứ thấy học sinh Hoa sữa đến xin thực tập là Du nhận liền. Thế nhưng theo Du  trong kinh doanh không thể có sự cả nể kể cả đó là những người thân của mình. Du nói“Cháu thích chọn những người có tâm huyết và ghét những người không nghĩ tới công việc chung”. Cháu thích khách hàng sau khi thưởng thức bánh sẽ hỏi : “ chủ cửa hàng bánh ngọt là ai? Là học sinh trường Hoa sữa à? Thế là cháu “sướng” lắm rồi”. Là người “nặng tình” với nơi đã giúp mình có chiếc “cần câu” để
tạo dựng cơ nghiệp, Du tỏ ra rất vui trước việc Hội cựu học sinh trường Hoa sữa được thành lập. Theo Du nhiều học sinh cũ muốn đóng góp cho trường không phải chỉ là tiền bạc mà muốn góp công sức để cùng các cô ,các bác đưa trường phát triển.

Mới chỉ hơn 2 năm rời khỏi mái trường Hoa sữa , đến nay doanh nhân Hoàng ca Du đã mở hoặc chung cổ phần được 2 cửa hàng bánh ngọt, bánh mỳ Pháp trên đường Trương Định và đường Pháo đài Láng. Du cho biết sắp tới em sẽ mở thêm 1 cửa hàng nữa ở Khương Thượng. Vốn của doanh nghiệp đang còn rất “khiêm tốn” và còn món nợ với ngân hàng ACB nhưng em hy vọng sẽ vượt qua tất cả. Không hiểu vì sao khi nói chuyện với Hoàng  ca Du, tôi lại nhớ tới cuốn tự chuyện: “Tay không gây dựng cơ đồ” của doanh nhân người Thái Lan, Vikrom Kromadit mà ông chủ Công ty Anh Hòa, cựu học sinh trường Hoa sữa, thường “gối đầu giường”./.