Chuyện về anh chuyên viên trẻ
Khác với số đông những cựu học sinh trường Hoa sữa mà tôi đã gặp, Vũ Xuân Trường, chuyên viên kỹ thuật của tập đoàn Kem Rich (Mỹ), là một thanh niên cao lớn, lực lưỡng. Nếu như chưa nghe lời giới thiệu về em thì khi gặp ở đâu đó, tôi dễ nghĩ Trường là một “boc xơ” hơn là một ‘thợ làm bánh”. Thế nhưng khác với hình dáng bề ngoài, cậu thanh niên quê ở Xuân Trường-Nam Định lại có khuôn mặt tròn trịa, hiền lành , giọng nói nhỏ nhẹ và đặc biệt là sự thẳng thắn khi trả lời “phỏng vấn” về những vấn đề ít người thích trả lời . Đó là chuyện rời trường Hoa sữa cũng như chuyện “lương bổng”.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học tại trường Nguyễn Viết Xuân, trường dành cho con em các gia đình thương binh, liệt sĩ, được trường giới thiệu, năm 1998, Vũ Xuân Trường làm đơn xin vào học nghề ở trường từ thiện Hoa sữa. Trường nói: “Cháu thích “nghề bánh”nên ngay khi làm đơn, cháu ghi luôn nguyện vọng xin học “lớp bánh” và được toại nguyện liền”. Cuộc đời dường như luôn mỉm cười với Trường khi em học xong “nghề bánh”. Tốt nghiệp hạng “ưu” , được giữ lại trường làm “điều hành”- giáo viên thực tập- giáo viên chính; rồi được trường Hoa sữa cử đi học nghề “bánh ngọt” ở trường Ferandi và thực tập ở xưởng làm bánh Le Notre tại thủ đô Paris (Pháp) trong 1 năm. Được học và được tiếp cận với phương pháp làm bánh ngọt hiện đại, Trường cố gắng học được bí quyết của thợ làm bánh nước bạn. Trường cười và khoe “khi đi học ở Pháp em hay được thầy gọi lên “làm mẫu” vì các thầy biết rằng ở Hoa sữa, bọn cháu đã được dạy nhiều về thao tác kỹ thuật. Trường tỏ ra tiếc, chỉ vì cái “khó bó cái khôn” , thiếu dụng cụ nên học sinh ở trường Hoa sữa chỉ được đứng quan sát thầy giáo thao tác sau đó mới được thực hành. Còn ở Pháp học sinh được làm ngay từ những khâu đầu cùng một lúc với thầy. với cách dạy như vậy, học sinh nhớ và nắm bắt nhanh quy trình làm bánh. Thời gian học ở Pháp rất vất vả, phải học và làm từ 6h sáng đến 5h chiều. Tuy nhiên Trường và các bạn đã học thêm được nhiều kỹ thuật làm bánh, học thêm về Chocolat, về đường..v..v.. Trường nhớ tới anh Hùng và các anh các chị Việt kiều khác làm ở xưởng Le Notre. Họ giúp đỡ và tận tình chỉ bảo nghề cho học sinh Việt nam . Trường kể: “Anh Hùng nói với cháu : “Cứ thấy người Việt nam sang là quý rồi vì anh biết (thời điểm năm 2001)ở Việt nam chưa phát triển nghề “làm bánh ngọt” nhiều nên anh muốn giúp bọn em để có thể phát triển nghề bánh ở Việt nam”.
Vũ Xuân Trường thẳng thắn nói rằng, chuyện em “ra đi” khỏi trường Hoa sữa chỉ là chuyện “bất đắc dĩ”. Chung quy chỉ vì… kinh tế. . Em vẫn luôn tâm niệm rằng nhờ trường Hoa sữa ,em mới được “đi đào tạo” ở nước ngoài, được mở rộng “tầm mắt” nên khi trở về em vẫn ở lại làm đúng theo hợp đồng đã kí kết để “trả ơn” trường Hoa sữa. Vẫn “nặng tình” với trường cũ nên Trường muốn nhân dịp này ,đem những trải nghiệm mà em đã có trong công việc , giúp các bạn đồng môn trẻ hiện đang học nghề ở trường Hoa sữa khi ra trường sẽ có được nhiều cơ hội tìm việc làm.
Khi còn là chuyên viên kỹ thuật ở tập đoàn Chocola Grande place (Bỉ) và công việc hiện nay ở Kem Rich, Trường có điều kiện đi hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Em đã thu nhận được những “thực tế”; biết điều cần học và điều cần tránh, hiểu về tâm lý khách hàng nên em có lời khuyên đối với một bạn nào đó muốn trở thành “ông chủ”. Phải tận dụng cơ hội để “cầu tiến”. Chất lượng sản phẩm là kết quả cuối cùng nhưng nếu có tư tưởng “cầu tiến” thì “ông chủ” nên trực tiếp học và khuyến khích nhân viên học mỗi khi có cơ hội. Đó là tác phong làm việc mà các bạn cần học từ những “ông chủ” ở các tỉnh phía nam.
Theo Trường khi làm việc ở môi trường do người nước ngoài quản lý sẽ học được nhiều . Ở Kem Rich chẳng hạn, tập đoàn thường tổ chức các lớp học về “trải nghiệm” để giúp nhân viên có thêm nhiều kinh nghiệm trong công việc và trong cuộc sống.. Một điều mà Trường cảm thấy rất “hay” là tập đoàn đã đem “văn hóa gia đình áp dụng vào văn hóa công ty”. Vì vậy mỗi trụ sở làm việc của tập đoàn đều có bảng ghi khẩu hiệu để nhân viên thực hiện :
1/Luôn luôn làm điều phải;
2/Hãy cùng nhau lắng nghe và chia sẻ;
3/Hãy cùng nhau vui chơi;
4/Hãy biến những suy nghĩ của bạn thành hiện thực;
5/ Luôn luôn là lựa chọn đầu tiên.
Người nước ngoài thường quản lý bằng hiệu quả công việc” và thích sự thẳng thắn và trung thực. Thí dụ khi phỏng vấn họ hay đặt câu hỏi: “Bạn làm việc vì Công ty, vì khách hàng hay vì bản thân”. Họ đánh giá cao câu trả lời : “Làm việc vì bản thân” bởi vì theo họ nếu muốn thực hiện được điều này thì nhất định người đó phải làm tốt để Công ty tồn tại được và muốn Công ty tồn tại được thì phải chăm sóc khách hàng cho như chăm sóc người thân trong gia đình .
Trường cho biết bạn đời của em là Nguyễn thị Hạnh Thu cũng là cựu học sinh lớp bánh và nấu Âu ở trường Hoa sữa hiện đang làm tại Đại sứ quán Ba lan. Họ đã có 2 con và vẫn “bổ xung” nghề cho nhau. Hai vợ chồng Trường và Hạnh vẫn nhớ mái trường Hoa sữa và các thầy cô đã cho họ chiếc cần câu để “vào đời”./.
Write a comment: