I. GIỚI THIỆU CHUNG

- Trung tâm dành cho người khuyết tật trực thuộc trường Hoa Sữa được thành lập vào năm 1997 với mục tiêu “Đào tạo và giới thiệu việc làm miễn phí” cho học sinh khuyết tật vận động nhẹ với nghề May và nghề Thêu.

- Điểm đặc biệt của trường Hoa Sữa và Trung tâm dành cho người khuyết tật là “Đào tạo – Thực hành - Thực hành lại”. Thực hành lại tạo nguồn kinh phí cho Trung tâm hoạt động thông qua việc bán sản phẩm học sinh thực hành như đồng phục học sinh , các sản phẩm May-Thêu... cho học sinh Hoa Sữa, hệ thống siêu thị BigC, các thực khách tại nhà hàng thực hành của trường (Các nhà hàng thực hành của Hoa Sữa đều có gian hàng giới thiệu sản phẩm do học sinh khuyết tật làm ra) và các đối tác khác...

- Trước đây, Trung tâm dành cho người khuyết tật coi môn ngôn ngữ ký hiệu là một môn học riêng. Nay nhà trường đã áp dụng dạy ngôn ngữ ký hiệu ngay tại lớp thực hành May và Thêu. Đội ngũ giáo viên của Trung tâm như cô Phạm Thị Sang, cô Nguyễn Thị Thanh Hà (Giáo viên nghề may); cô Lê Thị Thúy Hoa (Giáo viên nghề thêu) đều có khả năng vừa dạy ngôn ngữ ký hiệu vừa dạy thực hành cho các em. Với nghề Bánh mỳ - Bánh ngọt và Chế biến món ăn Á, Trung tâm có các giáo viên giàu kinh nghiệm giảng dạy như cô Nguyễn Thị Mạc, cô Nguyễn Thị Huế, cô Phùng Thị Hường (Nghề Bánh); cô Nguyễn Thị Hồng Mơ, cô Nguyễn Thị Huệ (Nghề Á).

- Những năm đầu thành lập, Trung tâm dành cho người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn để duy trì nên trường Hoa Sữa luôn luôn là đơn vị hỗ trợ toàn bộ kinh phí hoạt động. Đến năm 2013, ngoài sự giúp đỡ của nhà trường, Trung tâm còn nhận được sự ủng hộ của hệ thống siêu thị BigC và các tổ chức nên nguồn thu từ việc bán sản phẩm thực hành đã tăng lên, Trung tâm đã tự chủ được hoạt động, duy trì được số lượng và tạo việc làm cho các em học sinh.

- Hàng năm, Trung tâm Tuyển sinh & Giới thiệu việc làm của trường có những cuộc khảo sát các cơ sở tiếp nhận học sinh tốt nghiệp của Trung tâm. Nhận thấy rằng, một số học sinh làm tại các xưởng may sau một thời gian đều nghỉ việc (Lý do từ phía doanh nghiệp và từ phía học sinh) nên nhà trường đã chú trọng đến giai đoạn “Thực hành lại” cho học sinhh. Để làm tốt giai đoạn này, nhà trường sẽ nâng cấp xưởng thực hành, kêu gọi nhiều đơn hàng để tạo việc làm và thu nhập ổn định cho học sinh đang học ngay sau khi tốt nghiệp (hoặc học sinh đã tốt nghiệp từ trước).

-  Năm 2015, Nhà trường mở rộng đối tượng đào tạo (học sinh tự kỷ thể nhẹ) và mở rộng thêm ngành nghề đào tạo bánh mỳ - bánh ngọt và chế biến món ăn Á cho các đối tượng của trung tâm.

II. ĐÀO TẠO

LOẠI HÌNH ĐÀO TẠO

Hệ sơ cấp: Từ 03 - 18 tháng

Hệ ngắn hạn (theo thực trạng của người học)

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Nghề May (12 tháng)

Nghề Thêu (12 tháng)

Nghề May – Thêu (18 tháng)

Nghề Bánh mỳ - Bánh ngọt (Từ 9-12 tháng) (đang chạy thử nghiệm chương trình dành cho học sinh tự kỷ thể nhẹ)

Nghề chế biến món ăn Á ( từ 3 – dưới 12 tháng )(đang chạy thử nghiệm chương trình dành cho học sinh tự kỷ thể nhẹ và đã đạt thành công bước đầu )

        MÔ HÌNH ĐÀO TẠO CỦA TRUNG TÂM DÀNH CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Với các đối tượng học sinh đặc thù, trung tâm dành cho người khuyết tật đào tạo theo mô hình: “Đào tạo thực hành – Thực hành lại”

Đào tạo thực hành:

-Các thanh niên khuyết tật theo học nghề tại trường được trang bị các kỹ năng về ngôn ngữ, được tiếp xúc với các bạn cùng đối tượng và các bạn học sinh (học sinh bình thường) để chữa bệnh để hòa nhập xã hội.

-Thời gian đào tạo nghề dài, tỉ mỉ, lặp đi lặp lại nhiều lần (Một số học sinh thời gian đào tạo dài hơn thời gian công bố để phù hợp với từng đối tượng học sinh)

- Cùng với đó là kiến thức của từng nghề học sinh theo học ( các kiến thức đã được chọn lọc để phù hợp với đối tượng học sinh đặc thù ) nhằm giúp các em vận dụng, hỗ trợ cho quá trình thực hành ngay sau đó. Xuyên suốt quá trình học nghề với trọng tâm học thực hành là nền tảng, các học sinh khuyết tật đã được trực tiếp làm các sản phẩm như:

-          Nghề May:

Học sinh được thực hành trên  các sản phẩm như: quần áo đồng phục nghề Bếp, nghề Bàn, nghề Bánh (quần áo, mũ, tạp dề, mũ bếp trưởng) Hoặc các sản phẩm phổ biến trên thị trường như: Quần áo sơ mi nam nữ; các kiểu áo sơ mi như cổ tim, cổ chữ V; váy, đầm, khăn trải bàn, khăn ăn…

-      Nghề Thêu:

Học sinh được thực hành với các sản phẩm thêu như: Khăn lót cốc, khăn ăn, khăn trải bàn, ga, gối, váy áo, tạp dề, tranh thêu…

* Với nghề May - Thêu, chúng tôi sẽ tạo ra công việc với mức thu nhập ổn định cho các em học sinh sau khi tốt nghiệp thông qua thành lập một "xưởng may", bán các sản phẩm do các em làm ra.

-      Nghề bánh mỳ - bánh ngọt

Học sinh tự kỷ thể nhẹ được thực hành làm các loại bánh với kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp như Cookie dừa, cookie nho, cookie socola, muffin... (Sản phẩm của các em được bày bán ở các cửa hàng bánh của nhà trường, một phần được gia đình mua ủng hộ...)

-      Nghề chế biến món ăn Á:

Học sinh tự kỷ thể nhẹ được thực hành chế biến các món ăn gia đình như thịt kho, cá kho, bò xào, lẩu thập cẩm, gà nướng lá chanh... (Sau khi tốt nghiệp, các em có thể làm tại cửa hàng của gia đình. Một số em sẽ có cơ hội thực hành lại ngay tại các nhà hàng của trường Hoa Sữa)

*Sau khi học sinh tốt nghiệp, với 2 nghề Bánh mỳ - bánh ngọt và chế biến món ăn Á, nhà trường sẽ phối hợp cùng gia đình để tạo việc làm ổn định cho các em.

Thực hành lại:

-          Khi đã nâng cao tay nghề sau quá trình dài học tập thực hành, các em học sinh hai nghề May – Thêu được thực hành lại để trực tiếp làm ra các sản phẩm như đồng phục cho học sinh các nghề của Hoa Sữa. Ngoài ra còn làm các sản phẩm cho đối tác của trường như BigC, Blue Dragon,tổ chức WUSC… (nguồn thu từ việc bán các sản phẩm này đã đáp ứng được hoạt động của Trung tâm).

-         Tùy theo điều kiện và đánh giá cụ thể, các học sinh tự kỷ thể nhẹ của 2 nghề Bánh mỳ - Bánh ngọt và Chế biến món ăn Á sẽ được bố trí thực hành tại các nhà hàng thực hành và dịch vụ của trường Hoa Sữa.